Tọa đàm Kết nối đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ - Singapore

print mail save
Cập nhật lúc:   14:56:28 - 07/12/2022 Số lượt xem:   187 Người đăng:   Trung tâm xúc tiến đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Tọa đàm Kết nối đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ - Singapore Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Tọa đàm Kết nối đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ - Singapore
- Phát biểu tại Tọa đàm Kết nối đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ - Singapore diễn ra ngày 02/12/2022 tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là cơ hội để cùng trao đổi, chia sẻ, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam, qua đó tạo sự kết nối, lan tỏa giúp các doanh nghiệp cùng tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) và Tập đoàn Meta tổ chức. Tham dự Tọa đàm có ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực của USABC; ông Simon Milner, Phó Chủ tịch Phụ trách Chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta.
Kể từ cuối năm 2019, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn diễn ra ngày càng gay gắt, xung đột Nga - Ucraina, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế khu vực và thế giới, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, dẫn đến nhiều tập đoàn đa quốc gia phải tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất, đa dạng hóa hoạt động đầu tư.
Với các chính sách điều hành kịp thời, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ, là những tiền đề căn bản để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động, đứng thứ 3 ASEAN theo quy mô với GDP đạt gần 400 tỷ USD, riêng năm 2021 tăng 2,58% và thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 tăng 22,6% với gần 669 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới (9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 538 tỷ USD, xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD). Việt Nam đã kiểm soát tốt lạm phát. Bình quân 9 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư nước ngoài, Việt Nam tiếp tục được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 34 ngàn dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 435 tỷ USD. Với kết quả đó, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Nhiều tổ chức quốc tế như WB, ADB, IMF đều liên tục điều chỉnh nâng mức dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam (trên 7% năm 2022). Đặc biệt, Moody’s và S&P đều xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, mức thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu tư người ở mức cao.
Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt trên tất cả các khía cạnh của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu; tiếp tục mở cửa nền kinh tế, chuyển sang thu hút FDI có chọn lọc và có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cung ứng các doanh nghiệp FDI. Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Trong nhiều năm qua, với vai trò Đối tác toàn diện, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký thống kê lũy kế đạt 11,4 tỷ đô-la Mỹ và đã có mặt tại hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và các vùng, địa phương của Việt Nam. Đến nay, Hoa Kỳ xếp thứ 11/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với dòng vốn có xu hướng tăng trưởng nhanh, ổn định và tập trung vào một số ngành chiến lược như sản xuất bán dẫn, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ thực tế còn cao hơn mức công bố do nhiều dự án lớn được đầu tư từ nước thứ ba như CocaCola, Pepsi, Unilever, Procter & Gamble, ước đạt trên 13 tỷ đô-la Mỹ và đứng thứ 8/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore là một trong những điểm trung chuyển quan trọng giúp đưa dòng vốn của Hoa Kỳ đến với Việt Nam.
Singapore đang ngày càng thể hiện vai trò thiết yếu đối với hoạt động thu hút FDI của Việt Nam, với tổng vốn lũy kế đạt 70,7 tỷ đô-la Mỹ, đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Singapore, với vai trò là cầu nối đến các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn Hoa Kỳ, tiếp tục nghiên cứu, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực tại Việt Nam như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; các khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, bao trùm.
Tọa đàm mang đến những cơ hội mới, tạo sức bật mới, thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp các nước; chia sẻ giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và Singapore trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, USABC, Liên đoàn doanh nghiệp Singapore sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam; đồng thời cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam./.
 
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đánh giá bài viết Xếp hạng: